Ly Tan Đầy Nước Mắt

Tái Ngộ Tràn Đau Thương

Ông Ngô Minh Chiêu tạ thế ngày 7 tháng 6 năm 2020

bà Đỗ thị Thắm qua đời ngày 14 tháng 2 năm 2020

Xin thêm lời cầu nguyện cho các linh hồn Ông Chiêu và bà Thắm

Ông Ngô Minh Chiêu tâm sự như sau:

Tôi lớn lên trong gia đình mẹ góa con côi. Khi bố tôi mất năm 1940 để lại cho mẹ tôi ba người con trai. Người anh lớn nhất 10 tuổi, tôi mới lên bảy và em út mới được 4 tuổi. Không khí trong gia đình thật buồn thảm vì vắng bóng người cha, nhưng lại được bù đắp đầy tình thương mến của bà con ruột thịt trong làng. Mẹ tôi vất vả lắm mới cưu mang nổi gia đình. Đến năm 1949, tôi mới 16 tuổi thì "bị" gả vợ cho cô Tý người cùng làng, và cô Tý lớn tuổi hơn tôi.

Năm 1954 xảy ra biến cố trọng đại cho toàn dân VN, hiệp định Geneve đã phân chia hai miền Bắc Nam; phần đông họ hàng trong làng Trung-thành đã bỏ nơi "chôn-nhau-cắt-rốn" để tránh những tai họa do cộng sản trút xuống. Họ tìm cách trốn thoát ra vùng tề, một số các gia đình khác thì đi theo đường biển tới hải cảng Hải Phòng để di cư vào Nam. Trong khi đó, gia đình tôi đành an phận ở lại.

Hiệp định Geneve trên lý thuyết cho hạn trong vòng 300 ngày người dân có quyền chọn lựa nơi mình muốn sinh sống ở cả hai miền Nam, Bắc; nhưng thực tế thì có bao nhiêu ngàn người dân miền Bắc bị cấm cản và thậm chí có những người không may mắn bị bắt trên đường đi trốn thoát và bị tù đày ở những nơi bí mật.

Không khí trong làng lúc này(1954-1956) thật u buồn ảm đạm, hầu hết thân nhân đã trốn vào miền Nam. Tới năm 1956, vì có lẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy đẫm máu của dân huyện Quỳnh Lưu tỉnh Hà Tĩnh, bất ngờ trong làng loan tin là Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến(UBKSĐC) thu nhận đơn xin di cư vào miền Nam, vì vậy gia đình tôi đành liều làm đơn xin di cư. Không bao lâu sau, gia đình tôi được chấp nhận. Chỉ có một số ít người liều mạng dám cả gan làm đơn, còn lại họ là cảm tình viên với Cộng Sản hoặc nghe lời dụ dỗ mà không dám đi.

Tới ngày chính thức lên đường, cảnh chia ly thật đau thương đầy nước mắt của kẻ ở người đi, qua sự tuyên truyền của Cộng Sản là chỉ sau vài năm nữa sẽ có thống nhất đất nước. Chuyện buồn là cô Tý đã đổi ý định không đi nữa, và tôi cũng không biết cô Tý đã có bầu đứa con đầu lòng. Tôi đành theo mẹ cùng gia đình người anh đi vào miền Nam.

Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình thuộc làng Trung Thành-Bùi Chu được định cư tại Kim Châu - Ban-mê-Thuột. Ở miền Nam dân chúng có được một đời sống an ninh và phồn thịnh trong một thời gian ngắn và tới năm 1966 tôi lập gia đình và gia nhập lực lượng Cảnh Sát tỉnh phục vụ trong toán khai thác tin tức qua các đặc công bị bắt.

Chủ nhật ngày 9 tháng ba năm 1975, tôi về Kim Châu để dự lễ giỗ của ông bác ruột và ngủ qua đêm tại đây. Quá nửa đêm, VC bắt đầu tấn công vào thị xã BMT. Đến sáng sớm, tôi và người bà con vội trở về thành phố bằng chiếc xe Honda nhưng bị quân chính quy Bắc-việt bắt ngay tại vòng đai quận Hòa Bình cách thành phố chừng 5 miles. Cùng bị bắt với tôi có một số anh em quân nhân thuộc tiểu khu Darlac.

Sau khi miền Nam sụp đổ hoàn toàn, bị giam-giữ ở BMT một thời gian ngắn, và tôi bị chúng kết tội an ninh/tình báo và chuyển tôi đi ra ngoài Bắc ở trại tù Trung-Ương số 3 thuộc tỉnh Nghệ-Tĩnh. Tưởng nên kể ra đây là lúc đó, ở Miền Bắc có 3 trại tù Trung Ương lớn và khét tiếng nhất là trại số 1 ở Cổng Trời.

Trong thời gian tù tại tù TƯ số 3, ngày ngày lao động ở ngoài trại giam, tình cờ gặp được một người dân làm nghề thợ mộc, và được biết anh ta người làng Trung thành cùng quê-hương cũ ở ngoài Bắc với tôi và hơn thế nữa anh ta cũng biết cô Tý là người vợ trước của tôi ở làng. Có lẽ anh ta nhắn về quê cho cô Tý, nên một hôm tôi được quản giáo thông báo là có thân nhân thăm, tôi không biết ai tới thăm đây, vì vợ con tôi ở miền Nam chắt chiu với 3 con nhỏ nên thường gửi quà cho tôi qua đường bưu chính. Rất ngạc nhiên người tới thăm tôi lại là cô Tý. Cuộc tái ngộ sau hơn 25 năm thật đau buồn và tràn đầy nước mắt trong một hoàn cảnh éo le, người ra đi năm xưa nay ngồi trong tù, người ở lại thì cũng đói khổ....... Hai chúng tôi ngậm ngùi không biết nói sao. Bao ký ức ngày xưa và đến nay tôi mới biết được tên đứa con đầu lòng của tôi. Tôi thành thực cho cô Tý biết là hoàn cảnh gia đình ở miền Nam và cảnh tù tội không biết ngày về

Năm 1982 sau hơn 7 năm trong tù, tôi được thả về. Mẹ già mừng vui khi gặp mặt con trước khi nhắm mắt lìa đời vào năm 1985. Qua chương trình HO, tới năm 1994 gia đình tôi được qua Mỹ và đang định cư tại tiểu bang Minnosota.

Qua nhiều biến cố trong đời, cảm tạ Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, nhất là qua lời cầu bầu của các vị tử đạo làng Trung thành mà đến nay, nhờ lòng thương xót Chúa tôi được lãnh nhận phép hòa giải với Giáo hội.



Ông Ngô Minh Chiêu tạ thế ngày 7 tháng 6 năm 2020 bà Đỗ thị Thắm qua đời ngày 14 tháng 2 năm 2020